Kính lọc độ sáng theo vùng (GRADUATED NEUTRAL DENSITY)
Kính lọc GND cũng có tính năng làm giảm lượng ánh sáng khi chụp ảnh, nhưng khác với kính lọc ND, GND chỉ giảm sáng ở một phần nào đó chứ không phải là toàn bộ bức ảnh. Những cảnh có thể chụp được khi sử dụng kính GND là khi có ánh sáng phân bố đơn giản theo một dạng hình học nào đó. Trong hình bên dưới, bạn có thể thấy được sự chuyển màu từ sáng sang tối dần theo chiều dọc.
Một kính lọc GND
Thông thường, người dùng máy ảnh số thường để độ phơi sáng khác nhau cho cùng một bức ảnh, sau đó ghép lại bằng Photoshop để có thể bảo toàn chi tiết trong tất cả những vùng từ sáng đến tối, giống như kĩ thuật tạo ảnh HDR. GND cung cấp tính năng hệt như vậy nhưng không cần tới bất kì phần mềm nào. Kính lọc GND không thích hợp để chụp các chuyển động nhanh hay ánh sáng thay đổi liên tục.
Kính lọc GND có hai “cấu hình” mà ta cần quan tâm khi chọn mua. Cách quan quan trọng nhất là xem việc chuyển đổi từ vùng tối sang vùng sáng nhanh như thế nào, thường được gọi bằng thuật ngữ “Soft Edge” hay “Hard Egde”. Kính lọc dạng “Soft Edge” cung cấp sự chuyển đổi từ sáng sang tối một cách từ từ, trong khi đó bạn có thể thấy được sự chuyển đổi rạch ròi giữa nền sáng và tối của kính lọc dạng “Hard Edge”. Loại kính lọc “Radial Blend” lại cho kết quả tối dần từ ngoài vào trong bức ảnh theo mức độ chuyển gradient. Sử dụng Soft Edge tương đối dễ dàng hơn do việc chuyển đổi sáng/tối nhẹ nhàng, do đó những sơ suất trong quá trình tìm đặt vị trí có thể bỏ qua. Với kính lọc Hard Edge, bạn cần phải quan sát và chọn vị trí một cách chính xác, nếu không vách ngăn sáng tối quá rõ ràng có thể làm hỏng bức hình của chúng ta. Ngoài ra, khi sử dụng kính lọc GND, chúng ta còn phải xem tốc độ thay đổi ánh sáng của đối tượng để có những điều chỉnh phù hợp với vị trí của phần sáng/tối trên kính lọc.
Khi chọn mua kính lọc GND, bạn sẽ thấy được hình vẽ minh họa về mức độ chuyển màu của từng loại kính trên trang chủ của nhà sản xuất do không có một chuẩn chung về việc chuyển sáng/tối. Khi trực tiếp ra tiệm, bạn có thể cầm kính lọc lên và soi dưới ánh đèn để xem đó có phải là loại kính lọc mà ta cần tìm hay không.
Yếu tố thứ hai mà bạn cần để tâm đó là mức độ khác biệt về lượng ánh sáng đi qua giữa hai phần sáng/tối của kính lọc. Sự khác biệt này cũng được diễn tả bằng những thông số về độ giảm f-stop (khẩu độ) hay dạng phân số tương tự như kính lọc ND. Ví dụ, một kính lọc “0.6 ND grad” sẽ giảm độ sáng đi 2 khẩu (1/4 lượng ánh sáng) đi vào phần tối so với phần sáng. Hầu hết các ảnh phong cảnh nên có độ giảm từ 1-3 khẩu là vừa.
Kính lọc UV/Sương mù
Một kính lọc UV siêu mỏng gắn trên một ống kính Canon
Ngày nay, kính lọc UV thường được dùng để bảo về những thành phần thấu kính ở mặt trước của ống kính bởi vì kính lọc dạng này có độ giảm sáng không đáng kể, ảnh trong trẻo và không tạo nên hiệu ứng đặc biệt nào. Đối với máy phim, kính lọc UV giúp giảm mờ do sương mù và tăng độ tương phản do giảm lượng tia cực tím chiếu vào phim. Với máy ảnh số, cảm biến không quá nhạy với tia cực tím nên tính năng UV hầu như không cần thiết.
Những kính lọc nhiều lớp (multicoating) sẽ giúp hạn chế hiện tượng lóe do nguồn sáng mạnh cũng như hạn chế đến mức thấp nhất việc thay đổi chất lượng ảnh. Việc thay thế một kính lọc bị trầy xước sẽ dễ dàng hơn rất nhiều so với một ống kính đắt tiền bị trầy, do đó người ta thường mua kèm một kính lọc UV ngay sau khi sắm một ống kính cho mình. Với những ống rẻ tiền hơn, việc quyết định có mua kính lọc UV hay không thì tùy thuộc vào ý kiến cá nhân mà thôi, không quan trọng lắm. Nhờ việc bảo vệ tốt hơn nên nếu bạn muốn bán lại ống kính của mình thì sẽ được giá cao hơn.
Kính lọc màu ấm/lạnh
Kính lọc dạng này sẽ thay đổi cân bằng trắng của ánh sáng đến với cảm biến của máy ảnh. Bạn có thể dùng kính lọc màu để cho ra màu sắc chính xác hơn của một đối tượng, thêm một chút ấm áp cho ảnh phong cảnh của một ngày có mây, tô đậm vẻ đẹp cho cảnh đèn ban đêm,…
Ví dụ, ánh sáng được lấy từ đèn cao áp bên đường. Với nguồn sáng dạng này, các máy ảnh hay trình chỉnh sửa ảnh thường khó có thể cho ra màu chính xác, do đó việc dùng một kính lọc màu lạnh có thể phục hồi lại màu sắc nguyên vẹn của phong cảnh. Những kính lọc dạng này thật ra cũng không quá cần thiết bởi người dùng có thể chụp ảnh RAW và chỉnh lại sau đó. Nếu có ý định chụp dưới nguồn sáng lạ, chụp ảnh dưới nước hay giảm nhiễu do màu sắc thì chúng ta mới nên dùng loại kính lọc màu.
Ngoài ra, kính lọc màu còn có thể được dùng với chức năng tương tự như kính lọc GND khi có thể chỉ áp dụng màu cho một vùng trên ảnh, vùng còn lại để ánh sáng tự nhiên. Những kính lọc màu dạng này có thể thay thế được màu sắc và thường có giá khá cao.
Kính lọc tạo hiệu ứng sao
Khi xem TV, bạn có thường thấy những cảnh quay sân khấu, ánh đèn hay ánh nến thường có nhiều vệt lóe rất dài, hướng ra nhiều phía? Đó chính là do kính lọc sao đấy. Kính lọc sao sẽ giúp tạo hiệu ứng lung linh cho bức ảnh mà không đòi hỏi người chụp phải khép khẩu độ quá nhỏ. Một số kính lọc sao còn có thể xoay được để chúng ta tự điều chỉnh hướng lóe cho tia sáng.
Kính lọc macro/close-up
Nếu không có trong tay một ống kính chụp macro chuyên dụng, chúng ta vẫn có thể dùng một kính lọc với chức năng tương tự: phóng đại ảnh. Tất nhiên, kính lọc macro/close-up không thể cho chất lượng tốt như một ống kính macro, nhưng các này tương đối hữu dụng khi bạn không muốn chi tiền mua một ống kính mới hoặc ống kính hiện tại cho chất lượng ảnh rất tốt. Kính lọc macro/close-up được phân biệt bởi độ diop, trải dài từ +1 cho đến +10. Chỉ số diop càng cao thì độ phóng đại của vật thể càng lớn. Những kính lọc dạng này thường có mặt kính hơi cong một chút. Người dùng có thể tìm được những kính lọc macro/close-up bán theo bộ gồm có 3, 5 hay 7 kính lọc có độ diop khác nhau để tiện thay thế khi sử dụng.
Sự thay đổi hình ảnh tương đương với độ diop của kính lọc close-up
Những vấn đề với kính lọc
Kính lọc chỉ nên dùng khi thật sự cần thiết bởi vì đó thật chất là một mảnh kính gắn thêm vào ống kính của chúng ta, do đó ít nhiều làm giảm đi chất lượng ảnh, chẳng hạn như làm xuất hiện độ sai màu, giảm độ tương phản một phần hay toàn bộ bức ảnh, hiện tượng bóng ma (do kính lọc bị bẩn) hay chói do sự phản chiếu bên trong hệ thấu kính của kính lọc. Hiện tượng viền đen cũng có thể xuất hiện nếu kính lọc chắn đường đi của ánh sáng vào ống kính. Trong trường hợp cụ thể thì đó là khi ta gắn một kính lọc phân cực bên trên một kính UV trong khi dùng ống góc rộng. Càng gắn nhiều kính lọc lên ống kính thì càng có nhiều hiệu ứng xảy ra, và chắc chắn chất lượng giảm theo tỉ lệ thuận.
Một số lưu ý khi chọn mua kính lọc
Thông thường, có hai cách để gắn kính lọc vào ống kính: dùng rãnh xoắn ốc hoặc chỉ đơn giản là gắn vào phía trước. Loại gắn phía trước có độ linh hoạt cao hơn và thích hợp với nhiều đường kính của ống, tuy nhiên việc giữ nó trước ống kính sẽ vất vả hơn, đôi khi bạn phải một tay cầm máy chụp, một tay giữ kính lọc nữa. Trong khi đó, kính lọc dạng gắn theo rãnh xoắn vào ống kính sẽ chắc chắn hơn, đồng thời cũng tạo nên một lớp bảo vệ cho ống kính.
Kính lọc dạng gắn, có thể thay thế được của hãng Lee
Kính lọc dạng rãnh xoắn có thể tìm được rất nhiều tại các cửa hàng bán dụng cụ ảnh, và hãy xem kĩ đường kính ống kính của mình và chọn loại kính lọc có đường kính tương ứng thì bạn mới có thể gắn nó vào. Để biết kích thước ống, bạn hãy nhìn mặt trước hoặc bên hông của ống kính. Đơn vị đo của đường kính là milimét (mm) và thường trải dài từ 46mm đến 82mm.
Một số vòng đổi kích thước (adapter ring) cũng xuất hiện trên thị trường nếu bạn cần gắn một kính lọc lớn hơn hay nhỏ hơn đường kính của ống. Nhưng hãy cẩn thận khi sử dụng vòng đổi từ kích thước lớn sang nhỏ vì ảnh có thể bị viền đen do kính lọc đã chắn đường đi của ánh sáng.
Vòng đổi từ kính lọc 58mm sang 77mm
Độ dày của kính lọc cũng quan trọng, đặc biệt khi chúng ta dùng với ống góc rộng. Có một số loại kính lọc siêu mỏng được thiết kế để hạn chế tối đa hiện tượng viền đen, nhưng chúng thường khá đắt tiền và thường không cho phép gắn thêm kính lọc khác vào bên trên, thậm chí cả nắp ống kính cũng không thể dùng được.