Ảnh chân dung, tĩnh vật
Trái ngược với ảnh phong cảnh, thể loại ảnh chân dung, tĩnh vật lại ưa chuộng DOF mỏng, tạo hiệu ứng bokeh để làm nổi bật một (hoặc một vài) chủ thể duy nhất.
Để làm được như vậy, người sử dụng máy ảnh ống kính rời nên có một ống kính chuyên dụng với độ mở lớn. Thông thường, độ mở f/2.8 được coi là lý tưởng để chụp ảnh chân dung vì nó tạo ra một vùng DOF vừa đủ để bao bọc hết không gian “viền” quanh chủ thể. Các ống kính đạt độ mở này có rất nhiều và giá cả dao động từ vài chục đến hàng nghìn USD. Trong đó, có hai ống kính được đánh giá là “ngon – bổ – rẻ” mà bạn nên tham khảo, đó là EF 50mm f/1.8 II của Canon và AF 50mm f/1.8 D của Nikon. Cả hai ống đều có giá trong khoảng 100 USD (khoảng 2 triệu đồng).
Ảnh chụp bằng ống kính 35mm/1.8G, “viên ngọc đen” của Nikon.
Cách chụp tương tự như với thể loại ảnh phong cảnh, đó là sử dụng chế độ chụp Ưu tiên khẩu độ để kiểm soát độ mở ống kính. Cũng vì độ mở ống kính lớn nên tốc độ chụp thường rất nhanh, người chụp không còn phải lo lắng về khả năng rung tay gây nhòe ảnh. Hãy tận dụng điều này để giảm ISO xuống mức thấp nhất có thể. ISO càng thấp cho nước ảnh càng mịn, da dẻ người trong ảnh theo đó sẽ càng mịn màng, đẹp đẽ hơn.
Với người sử dụng máy ảnh du lịch, như đã nói ở phần trước, GenK xin hướng dẫn các bạn cách tối ưu nhất để chụp được một tấm hình chân dung (hoặc tĩnh vật) gần giống với máy ảnh chuyên nghiệp nhất.
Ở phần trước, ta đã biết rằng độ mở ống kính có tác động tới DOF và bokeh của ảnh. Tuy vậy, đây không phải là yếu tố duy nhất quyết định tới 2 điều này. Cụ thể, mối tương quan giữa DOF và các yếu tố tác động tới nó được thể hiện trong bảng Các mối liên quan dưới đây:
Bảng Các mối liên quan giữa DOF và khẩu độ, tiêu cự, khoảng cách.
Ở ảnh (1), ta có thể thấy độ dày của vùng DOF thay đổi theo độ mở ống kính, đúng như đã nói ở phần trước.
Ở ảnh (2), khi độ mở ống kính được giữ nguyên không thay đổi, độ dày của vùng DOF vẫn bị thay đổi, nhưng lần này là do tiêu cự của ống kính. Cụ thể, ống kính có tiêu cự càng lớn (tele) càng tạo ra vùng DOF mỏng hơn.
Ở ảnh (3), khi giữ nguyên cả tiêu cự lẫn độ mở ống kính, vùng DOF lại thay đổi tùy thuộc vào tỷ lệ khoảng cách từ máy đến chủ thể / chủ thể đến hậu cảnh.
Đó là một trong những lý do tại sao mà đối với dòng máy ảnh ống kính rời, có những ống kính tele với độ mở tương đối nhỏ nhưng vẫn được nhiều người sử dụng để chụp chân dung. Bởi giá thành của một chiếc ống kính như vậy nhìn chung rẻ hơn rất nhiều so với ống kính fix độ mở lớn.
Dù chỉ có độ mở f/4, nhưng nhờ tiêu cự tele 200mm nên ảnh này vẫn tạo được hiệu ứng xóa phông khá tốt, dù bokeh không đẹp.
Như vậy, với các máy ảnh du lịch – thông thường có ống kính với độ mở nhỏ, hoặc với những người sử dụng máy ảnh ống kính rời nhưng chưa có điều kiện trang bị riêng một ống kính độ mở lớn, thì cách tối ưu để chụp một tấm hình chân dung / tĩnh vật là:
– Bố trí vị trí của chủ thể sao cho vùng hậu cảnh phía sau nằm ở khoảng cách càng xa càng tốt, có sự nhất quán về màu sắc, đặc biệt ưu tiên các tông màu tối.
– Đẩy zoom ra hết mức có thể để đạt được tiêu cự tối đa.
– Người chụp đứng ở khoảng cách gần chủ thể nhất có thể mà vẫn đảm bảo máy lấy nét tự động được (*) và bố cục ảnh đẹp.
– Sử dụng chế độ chụp ưu tiên khẩu độ, hoặc chế độ chụp Portrait trên máy để đạt được độ mở ống kính lớn nhất mà máy cho phép.
Thông thường với máy du lịch, để tạo ra bokeh có hiệu quả, ngoài việc bố cục hậu cảnh khéo léo, máy cần có độ zoom từ mức 5x trở lên.
Bạn có tin là tấm hình này chụp bằng ống kính kit 18-55mm hay không? Chỉ cần đẩy
tiêu cự ra hết cỡ (55mm), chọn độ mở ống kính lớn nhất có thể (f/5.6) và
lấy nét ở khoảng cách gần nhất thôi. Và máy ảnh du lịch cũng có thể làm được như vậy!
Ngoài cách đó ra, ta còn biết rằng trên máy có một chế độ chụp đặc biệt gọi là Macro, thường ký hiệu bằng hình bông hoa. Macro – hay chính xác hơn phải gọi là Close-up, là phương thức chụp mà ở đó, máy cho phép lấy nét ở một khoảng cách gần hơn cả khoảng cách tối thiểu thông thường(**). Xem lại hình (3) trong bảng Các mối liên quan trên, ta có thể suy luận ra rằng, nếu sử dụng chế độ chụp Macro thì sẽ tạo ra tỷ lệ khoảng cách từ máy đến chủ thể / chủ thể đến hậu cảnh lớn hơn, và do đó vùng DOF sẽ mỏng hơn được một chút. Ta cũng có thể kết hợp cách này (bật Macro) với các bước chụp ở trên để đạt được hiệu quả cao hơn.
Ảnh chụp ở độ mở f/2.8 kết hợp với chế độ Close-up cho vùng DOF cực mỏng. Bạn có
thể thấy là phần mũi chú mèo rất nét, nhưng chỉ mới ra đến vùng rìa mặt là đã nhòe rồi.
(*) (**) Lưu ý rằng với bất kỳ máy ảnh du lịch nào (hoặc bất kỳ ống kính nào trên máy ảnh ống kính rời), cũng đều có một khoảng cách lấy nét tối thiểu mà khi đưa máy vào gần sát chủ thể hơn khoảng cách đó thì máy sẽ không thể lấy nét được. Có thể xác định khoảng cách tối thiểu này bằng cách dí sát máy vào chủ thể, rồi nhích dần nhích dần ra xa cho tới khi máy báo đã lấy nét thành công.
(Nguồn : internet)