Ảnh phong cảnh
Một đặc điểm rất thường thấy của những tấm hình thuộc thể loại ảnh phong cảnh là góc nhìn cực rộng, và rõ nét đến từng chi tiết.
Nếu các bạn đã từng xem tấm hình chụp toàn cảnh hồ Gươm của nhiếp ảnh gia Dương Vi Khoa mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, chắc hẳn sẽ rất thích thú với việc có thể nhìn thấy rõ cả biển số xe của người đang đi trên đường khi zoom lớn lên. Để làm được điều đó, ngoại trừ độ phân giải cực lớn (lên đến 6 tỷ điểm ảnh), tấm hình còn phải được chụp với DOF cực dày, cụ thể là đủ dày để bao phủ hết khoảng không gian xung quanh hồ từ điểm gần máy ảnh nhất cho tới điểm ở xa vô cực . Như vậy, mọi chủ thể bên trong tấm hình dù có được trực tiếp lấy nét (focus) hay không, vẫn sẽ đảm bảo có được độ nét nhất định.
Ta đã biết rằng DOF dày hay mỏng phụ thuộc vào độ mở ống kính, nên cách để chụp một bức ảnh phong cảnh “nét căng tới tận chân trời” là sử dụng chế độ chụp ưu tiên khẩu độ (Aperture Priority – thường được ký hiệu là A hay Av) thường có trên máy ảnh ống kính rời hoặc máy ảnh du lịch cao cấp, thiết lập độ mở ống kính thật nhỏ. Theo đó, độ mở ống kính được cho là lý tưởng để chụp ảnh phong cảnh là f/8 – f/11.
Tấm hình chụp vịnh Hạ Long này được khép khẩu độ f/10 để đảm bảo ngay cả ngọn núi ở phía xa cũng rõ nét.
Ta cũng đã biết rằng, độ mở ống kính, tốc độ chụp và ISO là 3 thông số có tác động qua lại với nhau. Khi chụp một tấm hình ở độ mở ống kính nhỏ như vậy, trong điều kiện ánh sáng không thuận lợi sẽ dễ dẫn đến hiện tượng nhòe hình do tốc độ màn trập bị hạ xuống quá thấp khiến tay cầm không giữ yên nổi. Cách xử lý ở đây có thể là tăng ISO lên cao, nhưng điều này lại dẫn đến một rắc rối khác là chất lượng hình ảnh giảm do bị nhiễu (noise). Vậy nên những chuyên gia chụp ảnh phong cảnh luôn có bên mình một chiếc tripod (chân máy ảnh chạc ba). Bằng cách đó, họ có thể hạ tốc độ chụp xuống thấp hơn mức tay người giữ được mà vẫn đảm bảo không bị rung máy.
Với các máy du lịch đời thấp không can thiệp được vào thông số về khẩu độ, thì cách tối ưu là sử dụng chế độ chụp Landscape (thường nằm ngay trên bánh xe xoay, hoặc nằm sâu bên trong chế độ chụp Scene – ký hiệu là SCN) trên máy. Về bản chất, nhà sản xuất đã lập trình sẵn cho chế độ chụp này một giá trị khẩu độ đủ nhỏ và phương thức lấy nét toàn cảnh để tối ưu hóa cho thể loại ảnh phong cảnh. Ở một số mẫu máy, chế độ chụp này được chia thành 2 phần là Landscape (dùng cho cả ảnh chụp ban ngày lẫn buổi tối) và Night Landscape / Night Capture hoặc Night Scenery (tối ưu hóa cho chụp phong cảnh ban đêm). Dù sử dụng chế độ nào đi chăng nữa, các bạn cũng nên có một chiếc tripod loại nhỏ hoặc tựa máy vào chỗ nào đó chắc chắn để giảm thiểu hiện tượng rung máy.
Chế độ chụp phong cảnh có hình quả núi, hoặc nằm ẩn phía trong chế độ chụp SCN tùy cách bố trí của từng máy.
Tùy vào chủ đề của tấm hình, bên cạnh việc thiết lập ống kính ở khẩu độ lý tưởng, thể loại ảnh phong cảnh có thể còn yêu cầu người chụp một số kỹ thuật khác như “lấy nét siêu nét” (hyperfocal focusing), sử dụng dây bấm rời và các kính lọc hiệu ứng (filters) để “phơi sáng” trong thời gian dài, tạo hiệu ứng nổi rõ mây, v..v.. Các vấn đề này sẽ được nói tới trong bài viết về Kỹ thuật chụp ảnh và Phụ kiện nhiếp ảnh số.
(nguồn Internet)